Lượt xem: 352
Người nông dân Khmer vượt khó làm kinh tế giỏi
      Nhờ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, cộng với mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nên Chú Trần Minh Quang (dân tộc Khmer) ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, không chỉ làm giàu trên mảnh đất của mình, mà còn giúp nhiều hộ ở địa phương vươn lên khấm khá.
       Đã ngoài tuổi 60, nhưng Chú Trần Minh Quang vẫn còn khá nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi, nắm bắt thông tin từ báo, đài, bạn bè, đồng thời vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Chú Quang cho biết : “ Tôi đã mua 200 gà con để thả vườn, bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, gà đã được 300 – 400 gam/con. Thời gian qua, bệnh dịch tả heo châu Phi làm ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi. Tết Nguyên đán năm nay sẽ khan hiếm thịt heo. Hy vọng nuôi gà thả vườn sẽ tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

      Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, nên Chú Quang rất rõ đặc tính thổ nhưỡng ở đây. Gia đình Chú có trên 10.000m2 đất, những năm trước, chỉ độc canh cây lúa, nên năng suất không cao. Cách đây khoảng 05 năm, ông nuôi thủ nghiệm cá tai tượng và cá sặc rằn trên diện tích khoảng 200m2 mặt nước (mương vườn). Qua 08 tháng nuôi, khi thu hoạch, trừ đi chi phí, gia đình Chú có khoảng tiền lời trên 10 triệu đồng. Từ đó, Chú mở rộng diện tích, (đào thêm ao, mương), đến nay được 04 ao, mương, với khoảng 5.000m2 mặt nước.

      Là người đầu tiên của ấp Trường Thọ nuôi cá tai tượng và sặc rằn, Chú Quang cho biết : “ Sở dĩ, tôi quyết định nuôi hai loại cá này vì thị trường và giá khá ổn, còn cam, mít, xoài thì không chỉ người dân ở đây, mà nhiều địa phương khác cũng trồng, chi phí lại cao, tôi lo vài năm nữa sẽ “dội chợ”.

 Chú thích ảnh: Chú Trần Minh Quang chuẩn bị thu hoạch ao cá tai tượng và cá sặc rằn.

      Qua nhiều năm nuôi cá, theo kinh nghiệm của Chú Quang, nuôi cá ít tốn công chăm sóc, đặc biệt phù hợp với tuổi xế chiều như Chú. Để có cá giống, Chú tự nuôi cá bố mẹ rồi ép. Theo Chú Quang, nếu không ép cá giống mà mua ngoài thị trường, 04 ao cá tốn gần 10 triệu đồng, một khoảng tiền khá lớn. Thêm nữa, nhằm đỡ tốn chi phí, gia đình Chú tận dụng những phế, phụ phẩm của gia đình và hàng xóm như : Cơm, cháo, bún … đồng thời trồng và mua thêm rau muốn, rau lang cho cá ăn. 04 ao cá, trung bình Chú cho ăn gần 50 kg rau/ngày, giảm bớt thức ăn công nghiệp.

       Bên cạnh đó, nhằm lấy ngắn nuôi dài, trên bờ Chú trồng đu đủ và một số loại cây màu như : ớt, đậu bắp, cà … “ Thấy trồng đu đủ và hoa màu vậy, nhưng cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm, hỗ trợ rất lớn trong việc chăn nuôi cá và tăng thu nhập cho gia đình”, Chú Quang cho biết thêm.

      Một kinh nghiệm nữa của Chú Quang trong việc nuôi hai loại cá trên, những tháng đầu nuôi, Chú cho thức ăn công nghiệp rất ít, nhưng 02 tháng cuối thì thúc, nhằm tăng trọng lượng; 04 ao, mương nuôi Chú không thả đồng loạt mà xê xích nhau từ nữa tháng, đến một tháng cho dễ chăm sóc. Nhờ biết tính toán, mỗi đợt nuôi, trừ chi phí, gia đình Chú Quang còn lời trên 200 triệu đồng, góp phần nâng cao cuộc sống gia đình.

      Không chỉ làm giàu cho gia đình, Chú Quang còn giúp gần 10 hộ khác trên địa bàn trong việc nuôi cá và thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Điển hình như trường hợp của gia đình anh Huỳnh Thanh Bình cùng ngụ chung ấp là một minh chứng. Gia đình anh Bình có trên 2.000m2 đất vườn tạp. Những năm trước, do thiếu kinh phí, nên anh chưa dám mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dẫn đến hộ nghèo trong nhiều năm. Cách đây hơn 02 năm, thấy mô hình nuôi cá tai tượng và sặc rằn của Chú Quang hiệu quả, nên anh bắt chước làm theo. Thấy hoàn cảnh gia đình anh Bình khó khăn, nên Chú Quang hỗ trợ con giống nuôi trên 1.000m2, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc và tìm đầu ra khi cá xuất bán. Nhờ đó, mà đợt bán đầu tiên, anh Bình trừ đi khoảng chi phí đầu tư, gia đình anh còn lời trên 20 triệu đồng.

      Đến nay, không chỉ thoát nghèo, anh còn khá “mát tay” trong việc nuôi hai loại cá này, nhờ đó, mà anh Bình đã mở rộng diện tích lên 1.500m2 và cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Nhờ có nguồn thu khá ổn định từ việc nuôi cá, anh Bình còn đầu tư nuôi bò sinh sản, dành dụm tích lũy vốn, do đó, anh đã xây dựng được một căn nhà khá tươm tất. “ Nếu không có Chú Quang giúp đỡ, có lẽ gia đình tôi vẫn còn nghèo. Không chỉ giúp đỡ con giống, Chú Quang còn tận tình trong việc chỉ dẫn cách chăm sóc cá.” Anh Bình cho biết.

       Chú Quang chia sẻ thêm : “ Hiện tôi đang ép cá giống để bán, vì nhu cầu của người chăn nuôi trên địa bàn xã và nhiều địa phương khác về hai loại cá này khá cao”. Ông Lý Minh Nghĩa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Khánh, đánh giá: “ Chú Trần Minh Quang là người dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của đồng bào dân tộc Khmer địa phương. Thêm nữa, cách làm của Chú khá tiến bộ, sát với tình hình thực tế. Đây là tấm gương vượt khó, linh hoạt trong cách thức sản xuất phát triển kinh tế gia đình, không chỉ giúp gia đình mình vươn lên khấm khá, mà còn giúp đỡ nhiều gia đình cùng vươn lên trong cuộc sống. Gia đình Chú rất xứng đáng là hộ nông dân sản xuất- kinh giỏi của địa phương và cần được nhân rộng.

                                                                             Bài và ảnh: Sóc Ca.



TIN KHÁC

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 413
  • Trong tuần: 4 813
  • Tất cả: 1930523
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN LONG PHÚ - TỈNH SÓC TRĂNG                               
                    Địa Chỉ: Ấp 4 Thị trấn Long Phú, Huyện Long Phú, Tỉnh Sóc Trăn
                       Điện Thoại: 02993.857.430  Fax: 02993.857.430 . Email: vanphong.huyenlp@soctrang.gov.vn




    Người chịu trách nhiệm nội dung:.........................................................   
      Ghi Rõ Nguồn "UBND HUYỆN LONG PHÚ" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.